Thiết kế La Galissonnière (lớp tàu tuần dương)

Rõ ràng là rất khó để so sánh lớp tàu tuần dương La Galissonière với những tàu tuần dương Kiểu B theo chuẩn Hiệp ước London vì chúng rất khác nhau về tải trọng, vũ khí và vỏ giáp, từ lớp Dido của Anh,[39] lớp Atlanta của Hoa Kỳ[40] hay lớp Giussano của Ý với trọng lượng choán nước 6.000 t (5.900 tấn Anh) hay ít hơn, trang bị những cỡ nòng pháo khác nhau đôi khi nhỏ hơn 152 mm; cho đến những tàu tuần dương hạng nhẹ lớn Duca degli Abruzzi, Brooklyn hay Town với trọng lượng khoảng 10.000 tấn và có từ mười đến mười lăm pháo 152 mm.

Với một trọng lượng choán nước tiêu chuẩn 7.500 tấn và chín khẩu pháo 152 mm, lớp tàu tuần dương La Galissonière thuộc về một hạng ở khoảng trung gian, so sánh được với các tàu tuần dương hạng nhẹ Nürnberg cuối cùng của Hải quân Đức (một phiên bản cải tiến của chiếc Leipzig),[41] Montecuccoli của Ý (từ một phiên bản trung gian của lớp Condottieri), hay những chiếc lớp Fiji mang chín khẩu pháo,[42] một phiên bản rút gọn của lớp tàu tuần dương Town.

Trọng lượng choán nước của các tàu tuần dương Pháp vào khoảng 7.000-9.000 tấn, vẫn đủ để mang được vỏ giáp mạnh và vũ khí nặng, trong khi vẫn duy trì được tốc độ tốt. Dàn pháo chính, với ba tháp pháo ba nòng, tập trung một hỏa lực mạnh trên một lườn tàu tương đối ngắn. Với trọng lượng choán nước ở lớp 7.000 tấn, giống như nhóm thứ ba của lớp Condottieri gồm các chiếc Attendolo và Montecuccoli. Trong khi Condottieri có bốn tháp pháo và tám khẩu pháo 152 mm, những chiếc tàu Pháp có ba tháp pháo và chín khẩu pháo. Như ta đã thấy bên trên, việc áp dụng rộng rãi tháp pháo ba nòng đã cho phép, ví dụ như các tàu tuần dương Hải quân Hoa Kỳ, có chín khẩu pháo 203 mm hoặc thậm chí mười lăm khẩu 152 mm, trên một lườn tàu 10.000 tấn; hoặc như trên các tàu tuần dương hạng nhẹ của Đức, chín khẩu pháo 5,9 inch (150 mm) với trọng lượng choán nước dưới 7.000 tấn.

Dàn pháo chính được trang bị kiểu hải pháo 152 mm/55 Modèle 1930 mạnh mẽ, vốn là kiểu duy nhất với cỡ nòng 152 mm (6,0 in) được Pháp chế tạo. Cho dù có cỡ nòng nhỏ hơn, kiểu pháo này mạnh mẽ hơn so với cỡ pháo 155 mm trước đó, có khả năng bắn xa 26.300 m (28.800 yd) với đầu đạn pháo nặng 57,17 kg (126,0 lb) ở lưu tốc đầu đạn 870 m/s (2.854 f/s). Loại vũ khí này thậm chí còn có thể bắn đầu đạn pháo xuyên thép (AP) Hoa Kỳ nặng 58,8 kg (130 lb) đi xa 26.960 m (29.480 yd), trong khi một khẩu pháo 152 mm tiêu biểu của Anh UK nặng 50,8 kg (112 lb) chỉ đạt tầm xa tối đa 23.000 m (25.000 yd). Với đầu đạn AP này của Mỹ, nó có khả năng xuyên thủng thép tấm dày 122 mm (4,8 in) mm ở khoảng cách 9.970 m (10.900 yd), mạnh đáng kể khi so sánh với pháo 152 thông thường. Phiên bản đa dụng của loại vũ khí này được sử dụng cho lớp thiết giáp hạm Richelieu nhưng không mấy thành công do tốc độ bắn tương đối chậm đối với mục đích phòng không. Bệ pháo trang bị cho tàu tuần dương thuộc Model 1930, nặng 169,3 t (166,6 tấn Anh); tốc độ bắn của chúng là một phát mỗi 12 giây (5 phát mỗi phút). Do cuộc tranh đua chủ yếu nhắm vào phía Ý, kiểu vũ khí này tốt hơn đáng kể so với pháo 152 mm/55 cal mà nhóm cuối của lớp Condottieri và lớp Littorio trang bị, với tầm xa chỉ đạt 25.700 m (28.100 yd) mặc dù có trọng lượng nặng hơn (57,17 kg so với 50 kg). Đối với nhóm đầu của lớp tàu tuần dương Condottieri, ưu thế rõ rệt hơn đáng kể, vì kiểu pháo 152 mm/35 cal có tầm xa tối đa 22.000–24.000 m (24.000–26.000 yd) và bị phân tán đáng kể. Nguồn Nawveapons.com cho rằng kiểu pháo 152 mm Model 1930 nhìn chung là một thiết kế khá thành công, ít nhất ở khía cạnh bố trí cho mục đích đơn trên tàu tuần dương, không chỉ đơn thuần dựa vào số liệu lý thuyết, ngay cả khi tốc độ bắn tương đối chậm.

Dàn vũ khí hạng hai cũng khá bất thường so với truyền thống của Hải quân Pháp: pháo 90 mm/50 cal Kiểu 1926. Đây là kiểu vũ khí được cải tiến dựa trên kiểu pháo 75 mm cũ, với bệ nòng đơn hoặc nòng đôi. Những chiếc trong lớp La Galissonnière được trang bị bốn khẩu đội nòng đôi. Vào lúc đó, loại vũ khí này rất mạnh mẽ cho dù chúng bắn ra đầu đạn pháo nhẹ hơn so với loại pháo 90 mm sau này. Chúng bắn ra đạn pháo nặng 9,5 kg (21 lb) với tốc độ bắn 12-15 phát mỗi phút, đạt tầm xa tối đa 15.440 m (16.890 yd) ở góc nâng 45°, và trần bắn tối đa 10.600 m (11.600 yd) khi sử dụng làm vũ khí phòng không ở góc nâng 80°. Các con tàu cũng được trang bị hai dàn phóng ngư lôi nòng đôi hai bên mạn giữa tàu. Ngư lôi thuộc kiểu 23 DT, kích cỡ 550 mm (22 in),[43] được đưa vào phục vụ kể từ năm 1925, nặng 2.068 kg (4.559 lb), dài 8,28 m (27,2 ft), mang đầu đạn chứa 310 kg (680 lb) thuốc nổ TNT; chúng có tầm xa tối đa 9.000 m (9.800 yd) ở tốc độ 39 kn (72 km/h) và 13.000 m (14.000 yd) ở tốc độ 35 kn (65 km/h). Trang bị dành cho máy bay gồm hầm chứa và cần cẩu đặt ở đuôi tàu cùng một máy phóng đặt bên trên tháp pháo 152 mm phía sau, có thể chứa cho đến bốn thủy phi cơ Loire 130.

Giống như mọi tàu chiến Pháp hoàn thành trước chiến tranh, dàn hỏa lực phòng không tầm gần ban đầu của chúng khá yếu, chỉ với bốn khẩu pháo 37 mm nòng đôi và sáu súng máy 13,2 mm hai nòng. Chúng được bổ sung vào năm 1941 thêm một pháo 37 mm, một pháo 25 mm nòng đôi và hai súng máy Hotschkiss 13,2 mm hai nòng. Dưới sự giúp đỡ của Hoa Kỳ vào năm 1943, ba chiếc tàu tuần dương còn lại Georges Leygues, Montcalm và Gloire được tháo dỡ các thiết bị phóng máy bay cùng các vũ khí phòng không ban đầu, được thay thế bởi sáu khẩu đội phòng không Bofors 40 mm bốn nòng cùng hai mươi khẩu Oerlikon 20 mm nòng đơn.

Vỏ giáp của chúng dày hơn so với nhiều tàu tuần dương khác vào thời đó, ví dụ như lớp Condottieri của Ý, đủ mạnh để chịu đựng hỏa lực từ một tàu tuần dương khác. Đai giáp và lớp giáp sàn tàu dày hơn đáng kể so với thông thường. Nhóm III của lớp Condottieri chỉ có đai giáp dày 60 mm (2,4 in) và sàn tàu dày 30 mm (1,2 in), trong khi lớp La Galissonnière có đai giáp dày đến 75–105 mm (3,0–4,1 in)[Ghi chú 2] và sàn tàu dày 37–50 mm (1,5–2,0 in). Lớp giáp này đủ để chống đỡ đạn pháo 152 mm (6,0 in) từ khoảng cách chiến đấu,[Ghi chú 3] trong khi đối thủ Ý không thể làm được điều tương tự với một vỏ giáp nhẹ đánh đổi lấy tốc độ tốt nhất. Chỉ có nhóm cuối cùng của Condottieri là vượt trội, với trọng lượng choán nước 9.100 tấn (20% lớn hơn so với các tàu Pháp), với 10 khẩu pháo và đai giáp dày 130 mm (5,1 in), được cho là cùng có thể chịu đựng đạn pháo 152 mm, nhưng chúng chỉ có hai chiếc; dù sao, chưa bao giờ những chiếc tàu chiến mạnh mẽ này đối đầu với nhau. Nhưng đai giáp dày 105 mm của lớp La Galissonnière đều dày hơn so với chiếc Nürnberg (50 mm) của Đức, lớp Dido (76,2 mm) hay lớp Crown Colony (88 mm) của Anh, và tương đương với lớp Leander. Việc bảo vệ tháp pháo, với lớp giáp dày 100 mm (3,9 in) ở mặt trước và 50 mm (2,0 in) trên các mặt hông, mặt sau và nóc, cũng tốt hơn các tàu tuần dương khác có trọng lượng tương đương (1.25 inch của Nürnberg, 1 inch của Dido, 2 inch đối với Town hay Crown Colony), ngoại trừ vỏ giáp 3 đến 5 inch trên lớp Brooklyn của Hoa Kỳ.

Hệ thống động lực được cung cấp bởi bốn nồi hơi Indret và bốn turbine hơi nước, gồm turbine của hãng Parsons trên những chiếc La Galissonnière, Georges Leygues và Montcalm hoặc của hãng Rateau Bretagne trên những chiếc Jean de Vienne, Marseillaise và Gloire; chúng dẫn động hai trục chân vịt, có công suất 84.000 shp (63.000 kW). Chúng dễ dàng duy trì một tốc độ 31–32 kn (57–59 km/h), và tất cả đều vượt hơn tốc độ thiết kế 33 kn (61 km/h) khi chạy thử máy. Trong một chuyến đi chạy thử máy, Marseillaise đã đạt được tốc độ trung bình 34,98 kn (64,78 km/h) trong tám giờ và đạt đến 35,39 kn (65,54 km/h) vào giờ thứ chín. Vào cuối chiến tranh, chúng vẫn dễ dàng đạt được tốc độ 32 kn (59 km/h) với trọng lượng choán nước đầy tải lên đến 10.850 t (10.680 tấn Anh).[44] Tầm xa hoạt động 5.500 nmi (10.200 km) ở tốc độ đường trường 18 kn (33 km/h) tốt hơn đáng kể so với các đối thủ Condottieri vốn chỉ đạt khoảng 3.800 nmi (7.000 km) ở tốc độ đường trường 18 kn (33 km/h); chúng tương đương với các tàu tuần dương hạng nhẹ Anh và Đức về tốc độ và bán kính hoạt động, ngoại trừ các lớp Leander và Arethusa vốn có tầm xa hoạt động vượt trội lên đến 12.000 nmi (22.000 km).[45]